Vấn đề đường lối cách mạng của Phan Bội Châu
8/19/2023 8:29:40 PM
anhnhat.nguyen1 ...

Có mấy vấn đề mà hình như là vấn đề được xem trọng hơn cả, là vấn đề đường lối cách mạng của Phan Bội Châu (và của cả Phan Châu Trinh). Một cuốn sách (của Nhà xuất bản Chính trị quốc gia) đã có những đánh giá về hai ông Phan rất nghiêm khắc. Người viết chê hai ông Phan là “hướng đi và cách đi của các ông không còn phù hợp với những biến đổi của thời đại và các ông đã không biết tìm hiểu xem “cuộc cách mạng nào đi đến nơi để học tập, cuộc cách mạng nào không đến nơi để tránh. Đây cũng là một nhận định liên quan đến chủ thuyết phát triển mà chúng ta đang bàn. Nhưng rõ ràng sự phê phán này đã không có cơ sở, mà nhất là không có quan điểm lịch sử cụ thể. Ta thường vẫn nhắc nhau khi nghiên cứu là cần có quan điểm này, mới giữ đúng được tinh thần biện chứng. Phê phán theo cách trên là tách hẳn hai ông Phan ra khỏi tình hình xã hội, tình hình cách mạng để thỏa mãn một sự suy diễn mơ hồ. Hai ông Phan ra đời từ cuối thế kỷ XIX, riêng Phan Bội Châu thì xuất dương vào năm 1905. Lúc ấy thì trên thế giới, nhất là ở Pháp, ở Nga, ở Nhật, ở Trung Quốc, v.v... chưa có cuộc cách mạng nào đã đến nơi và không đến nơi. Tấm gương Nhật Bản duy tân không dựa vào sự thành công của một cuộc cách mạng nào cả. Cả hai ông Phan lăn lộn, đi hết nơi này sang nơi khác, thì mãi đến năm 1911, mới biết được có cuộc cách mạng Tân Hợi của Tôn Văn, mà khi chỉ đạo cuộc cách mạng này, Tôn Văn không chịu ảnh hưởng của chủ nghĩa Mác-Lênin. Cái khẩu hiệu sáng suốt của ông Tôn là “liên Nga, dung Cộng” mãi đến sau Cách mạng tháng Mười mới có. Minh Trị thiên hoàng thì không phải là người Mácxít, và cho tới hôm nay nước Nhật vẫn để tồn tại chế độ Nhật hoàng. Còn lúc này (1911), Phan Châu Trinh mới được ra khỏi nhà tù Côn Đảo, Phan Bội Châu đang làm ruộng ở Thái Lan. Bắt hai cụ phải tưởng tượng ra những cuộc cách mạng chưa có để trở thành ra con người đại thiên tài, thì thật là bất chấp lịch sử cụ thể. Rồi khi Cách mạng tháng Mười nổ ra thì Phan Bội Châu đang bị giam ở Quảng Đông. Mà cũng nên trân trọng Phan Bội Châu ở giai đoạn này! Khi chưa có Cách mạng tháng Mười thì ông không biết (tất nhiên!) và khi có rồi thì ông vẫn cố tìm cách tiếp cận. Ông dịch cuốn Điều tra chân tướng Nga La Tư đúng vào lúc Nguyễn Ái Quốc đi dự Đại hội Tours (1920), lúc ấy Phan Bội Châu đã 54 tuổi. Sau Cách mạng tháng Mười đến 4 năm, nước Pháp mới thành lập Đảng Cộng sản, và một năm sau nữa (1921) Đảng Cộng sản Trung Quốc mới ra đời. Rồi cả Hồ Chí Minh nữa. Chàng thanh niên Nguyễn Tất Thành thông minh xuất chúng đến mức biết từ chối không xuất ngoại với Phan Bội Châu, mà ta cũng có thấy ông nói gì về con đường đi làm cách mạng cho đến nơi đến chốn đâu! Lăn lộn mãi, đi hết nơi này nơi khác, phải chờ đến khi Luận cương về vấn đề dân tộc và thuộc địa của Lênin, được Đại hội lần thứ hai Quốc tế Cộng sản thông qua (1920), Nguyễn Ái Quốc mới có thể phát biểu: “Đây là con đường giải phóng chúng ta”, kia mà. Nên nhớ có một điều tương hợp cũng hay hay: đương vào lúc Nguyễn Ái Quốc phát biểu câu này, cũng là lúc Phan Bội Châu ngồi dịch cuốn sách về nước Nga của tác giả Nhật Bản Bố Thị Dĩ Tri. Thế mà dám cho là ông Phan không biết gì đến sự biến đổi của thời đại, không tìm hiểu các cuộc cách mạng như thế nào, thi quả thực là chỉ cốt nói lấy được, nói để tỏ ra có quan điểm lập trường, bất chấp thực tế. Những người đi sau thường có lợi thế là thấy được những việc mà người đi trước đã làm, nên dễ tưởng là mình sáng suốt hơn, cứ tha hồ phê phán người trước, chẳng khác gì một câu chuyện ngụ ngôn. Chú bé mới có bốn, năm tuổi, được cha cho ngồi lên vai để đi xem hội. Chú đắc ý quá đã vỗ vào đầu cha mà reo: Bố ơi! Con trông rõ hơn bố cơ!

Vẫn còn nội dung phía dưới, bạn hãy ấn nút để xem tiếp nhé...