LỊCH SỬ NHO GIÁO VIỆT-NAM THẾ KỶ 19
9/17/2023 11:05:45 PM
anhnhat.nguyen1 ...

“Vận hội”, “khí vận”

 

Mỗi người đọc sử, biết luận sử của dân tộc nào từ xưa cho đến gần đây, đều thấy sự hưng phế và trị loạn của các triều đại. Hưng rồi phế, phế rồi lại hưng, cho đến khi sụp đổ và triều đại mới lại thay vào. Không có triều đại nào vĩnh viễn. Không bao giờ thấy hưng trị mãi. Không bao giờ thấy phế loại hoài. Ngó bề ngoài mà nói, chính trị các nước biến chuyển dường như có vòng, đi hết một vòng thì dường như trở lại chỗ cũ. Giống như mỗi năm xuân, hạ, thu, đông bốn mùa tiếp nhau; giống như mỗi ngày sớm, trưa, xế, chiều nối nhau; giống như trời đất, muôn vật vận động mãi không có lúc cùng, hễ cùng thì sinh biến, có biến thì mới lại thông, thông rồi lại tắc, cứ xoay tròn như thế không lúc nào nghỉ.

Hiện tượng chuyển biến đó, người xưa gọi là “khí vận”, là “vận hội”, là “tuần hoàn”, một sự chuyển động tất yếu, đương nhiên, mà sức người có thể làm chậm lại hay mau hơn chớ không thể nào cưỡng nổi.

Cũng gọi cái sức xoay chuyển huyền bí ấy là “Trời”.

ở đây ta chọn một chữ, chữ “vận hội”, để bàn luận, xem đó là một quan điểm căn bản của các nhà Nho về lịch sử.

“Vận hội” là gì? Một trong những người xưa nói về vận hội một cách ràng rọt nhất là Thiệu Ung, nhà tượng số học thời Tống, hồi thế kỷ 11. Sách Hoàng cực kinh thế của ông ta nổi tiếng nhất trong số khá nhiều tác phẩm, sách ấy nói về tượng số của trời đất, về sự biến hóa của thái cực, về đạo của thánh hiền. Hoàng cực kinh thế căn cứ vào Kinh Dịch, vào quẻ của Phục Hy mà suy diễn. Theo thuyết âm dương ngũ hành tương sinh tương khắc thì sự biến dịch của vạn vật như một vòng tròn. Thiệu Ung dựa theo “tứ tượng” trong Kinh Dịch mà lập thành như một hằng số, cái gì cũng được diễn theo số 4: nhật nguyệt tình thần, thủy hỏa thổ hạch, nóng lạnh ngày đêm, gió mưa sương sấm, xem đó là thể dụng của trời đất, tính tình hình thể, chạy bay cỏ cây, xem đó là trước sau của trời đất. Cứ theo số 4 mà tính. Nhật là “nguyên”, nguyệt là “hội”, tinh là “vận”, thần là “thế”. Rồi Thiệu Ung theo một cái ph1p ông gọi là phép “nạp âm” mà tính từ năm Giáp Thìn là năm đầu vua Nghiêu, đến năm Kỷ Mùi đời vua Mục Vương nhà Chu, ghi lại lúc hưng lúc suy, thời trị thời loạn của khoảng thời gian ấy để làm chứng cho học thuyết “vận hội” của mình.

Trong mỗi “nguyên” thì có giai đoạn “trưởng”, giai đoạn “tiêu”. Tính từ Tí đến Tị là trưởng, từ Ngọ đến Hợi là tiêu. Mỗi nguyên là 129.600 năm, gồm 12 hội, mỗi hội là 10.800 năm, gồm 30 vận, mỗi vận là 360 năm, gồm 12 thế, mỗi thế dài 30 năm. Trong cuộc “đại hóa” của vũ trụ thì một nguyên cũng như một năm của trần thế đấy thôi. Nguyên gồm 12 hội, mỗi hội ứng vào một quẻ, từ Tí đến Tị là dương trưởng âm tiêu, từ Ngọ đến Hợi là âm trưởng dương tiêu. Cứ tượng ấy mà tính thì kể từ khi trời lập ở hội Tí, đất thành ở hội Sửu, người sinh ở hội Dần, đến đời vau Nghiêu, cuối Tị, là ở giữa nguyên, lúc cực trưởng. Đời vua Nghiêu hết sức thịnh trị là bởi vì thế. Sang hội Ngọ thì bắt đầu dương tiêu âm trưởng, lúc đi xuống, mãi đến hội Hợi, thì chẳng những loài vật không sinh ra nữa mà lại còn tiêu diệt đi. Song, hễ cái này mất thì cái nọ sinh, cho nên trời đất loài vật lại xuất hiện nữa. Cứ như thế.

Trong khoảng dinh hư tiêu trưởng ấy, con người có vai trò gì?. Có lẽ Thiệu Ung đã trả lời bằng câu chuyện ngụ ngôn sau đây trong Ngư tiều vấn đáp:

“Tiều hỏi: Bác dùng đạo gì mà được cá?

Ngư đáp: Ta dùng 6 vật là cần trúc, dây tơ, phao nổi, đồ chìm, lưỡi câu mà mồi. Sắm đủ 6 vật ấy là việc của người, còn được cá hay không là việc của trời. Nếu 6 vật ấy không đủ mà không được cá thì không phải tại trơi mà là tại người vậy”.

Vẫn còn nội dung phía dưới, bạn hãy ấn nút để xem tiếp nhé...