LỊCH SỬ NHO GIÁO VIỆT-NAM THẾ KỶ 19
9/17/2023 11:07:28 PM
anhnhat.nguyen1 ...

“Đạo trời” và "sự may rủi"

 

Các triều đại hưng và phế, trị và loạn nối tiếp nhau. Cái gì là nguyên nhân của sự hưng phế, sự trị loạn?.

Các nhà làm sử ở triều đình Nguyễn trả lời rằng tại Trời, tại may rủi, bảo rằng ấy là “đạo Trời”, mà “đạo Trời không xa nhưng không thể biết được”:

  • Cương mục viết: “Vua Thục trước đấy vì hôn nhân mà được thắng lợi (ý muốn nói tới việc Thục Phán cầu hôn với Hùng Vương thứ 18 rồi lấy nước Văn Lang) nay cũng vì hôn nhân mà bại vong (ý muốn nói tới việc An Dương vương gả con cho Trọng Thủy, con trai của Triệu Đà), đạo Trời báo phục không sai, kể cũng chóng quá”.
  • Cương mục cắt nghĩa vì sao nhà Đnh ngắn ngủi: “Đạo Trời ưa kẻ khiêm nhường, đạo trời răn kẻ tự mãn. Tiên Hoàng nhà Đinh là kẻ vô học, không có mưu trí gì, chỉ quen dữ tợn, kiêu căng, đến đỗi cuối cùng cả hai cha con đều bất đắc kỳ tử, triều đình mới được hai đời thì mất. Nhân đức và tàn bạo khác nhau hẳn, đáng làm gương chung. Đinh kêu là Vạn thắng, Tần mong được vạn thế, xe trước xe sau cùng đi một vết”. Sách Cương mục về vấn đề này có trích lục lời Nguyễn Nghiễm, nghĩa là đồng ý với ông này khi ông nói rằng: “Về việc Đinh Tiên Hoàng lập Hạng Lang, trước thì có động đất, sau thì có mưa đá, hạn hán. Trời kia răn bảo sờ sờ ra đấy, thế mà cứ coi làm thường, không sớm tỉnh ngộ. Vậy muốn không mất, phỏng có được không?”.
  • Cương mục trich dẫn lời của Ngô Thì Sĩ bình luận về việc vua Trần bổ nhiệm Đỗ Tử Bình làm thị giảng: “Nước đến khi sắp mất thì trời sinh ra người để mà phá hoại. Việc Tử Bình được tiến cử là lúc mối hận khích ở biên giới Nhật Nam đã chớm nảy nở, cái nguy cơ tai vạ của Duệ Tông đã ngấm ngầm phục sẵn mà từ đó dần gây ra mối suy sụp cho cơ nghiệp nhà Trần”.
  • Đặng Dung có chí, có tài mà thua Trương Phụ. Tự Đức cắt nghĩa cái thua của Đặng Dung, cái thắng của Trương Phụ bằng câu: “Trời nuông Trương Phụ”.
  • Hồ Quý Ly bị giặc ngoại xâm bắt, Tự Đức phê: “Đạo trời báo ứng rõ ràng không sai”. Ý muốn nòi rằng Hồ Quý Ly đã có tội phế vua Trần để chiếm ngôi, thì nay Trời khiến Hồ Quý Ly phải bị quân Minh bắt vậy.
  • Bàn với việc Trần Quý Khoáng, Đặng Dung, Nguyễn Súy nhảy xuống sông tự tử chớ không chịu để quân thù giải sống đến Yên Kinh, Tự Đức viết: “Sự được hay thua, hưng thịnh hay suy vong là do ở Trời, mà tự do ở người. Nhưng vua tôi biết chết theo xã tắc, điều ấy làm sáng tỏ ngàn đời”.

Còn có thể lấy nhiều tỉ dụ khác. Theo các sử thần nhà Nguyễn, theo các vua Nguyễn, thì Trời, đạo Trời can thiệp và quyết định khắp mọi nơi, trong mọi việc, từ sự hưng vong của một triều đại, sự mất còn của một đất nước, đến sự xuất hiện của một nhân vật, sự thắng bại của một tướng súy. Hễ thịnh thì nói là nhờ Trời nuông, hễ suy thì nói là Trời bỏ, hễ được thì nói là nhờ Trời, hễ thua thì đổ là Trời hại. Cái “chủ nghĩa tại Trời” ấy là lối cắt nghĩa dễ dàng nhất. Không cần đọc một trang kinh, một chương sử cũng có thể biết cắt nghĩa như vậy: “Gẫm hay muôn sự tại Trời” mà! Đó là cách cắt nghĩa để không cắt nghĩa gì cả, nhưng đó lại là tư tưởng phổ biến trong quần chúng khi mà tư tưởng duy lý còn kém cỏi, tư tưởng duy vật lịch sử chưa hình thành.

Vai trò của Trời, đạo Trời, được các sử gia nhà Nguyễn bơm lên đến cực độ bịa đặt thêm ra nhằm thần bí hóa các vương triều, khi họ chép truyện Gia Long lục quốc. Hãy đọc Đại Nam thực lục tiền biên, ghi vài mẫu truyện kỳ thú được sử thần nêu lên để chứng minh rằng Trời còn tựa nhà Nguyễn mặc dầu nó bị quân Tây Sơn đánh bại không còn manh giáp che lưng, không còn tấc đất nghỉ chân: “Đến sông Đằng Giang, có nhiều sấu, không thể lội qua được. Nhân có con trâu nằm bên sông, vua (Nguyễn Ánh) bèn cưỡi trâu sang sông. Giữa dòng, nước lớn mạnh, trâu chìm mất. Cá sấu đến chở vua sang bờ bên kia”. Hoặc: “Vua bị 20 thuyền giặc đến vậy. Thuyền vua liền kéo buồn nhằm hướng đông mà chạy, chơi vơi ngoài biển suốt bảy ngày đêm, quân sĩ đều khát. Vua lo, bèn ngửa mặt lên Trời khấn rằng: nếu ta có phận làm vua thì xin cho thuyền dạt vào bờ, nếu không thì chìm giữa biển cũng cam. Vua dứt lời thì gió yên sóng lặng, trước mũi thuyền, nhìn thấy mặt nước đen trắng hai dong, nước trong sủi lên. Một người trong thuyền thử nếm, thấy ngọt, kêu lớn lên: nước ngọt, nước ngọt!. Ai nấy tranh nhau uống. Vua sai múc lên bốn năm chum, rồi nước biển lại mặn như cũ”.

Để cắt nghĩa sự kiện lịch sử, vua tôi nàh Nguyễn dùng “Trời” và “đạo Trời” làm cái “chìa khóa mở cửa nào cũng được”. Nhưng theo truyền thống Nho giáo, họ cho rằng “đạo Trời là điều không thể biết”. Nói một cách khác, trong lịch sử chính trị, không thể đoán chắc được cái gì. Sách Cương mục chép: “Trong lúc vua Trần Thái Tông đang thết tiệc triều thần vào một đêm tháng bảy, mùa thu, bỗng thấy sao chổi mọc ở hướng đông bắc. Vua bảo: “Ta xem ngôi sao này tia sáng rất lớn, đuôi rất dài, chắc không phải sự tai biến ứng về nước ta. Rồi vua cho tiếp tục ăn yến đến xong. Tháng 10 năm ấy, nhà Tống mất”. Chách chép sử như thế ngụ ý rằng: vua Trần hiểu được điềm Trời, rõ được đạo Trời: sao chổi lớn mọc ở đông bắc nước ta, tức là nước Tống lâm nguy đó. Về sự kiện này, vua Tự Đức phê: “Câu nói (của vua Trần) may mà trúng chớ biết thế nào được đạo Trời?”.

Vẫn còn nội dung phía dưới, bạn hãy ấn nút để xem tiếp nhé...