LỊCH SỬ NHO GIÁO VIỆT-NAM THẾ KỶ 19
9/17/2023 11:08:21 PM
anhnhat.nguyen1 ...

Vai trò quyết định của người tài độc lập với điều kiện lịch sử, quần chúng nhân dân hoàn toàn bị bỏ lãng

 

Trong khi cắt nghĩa sự hưng vong của các triều đại bằng đạo Trời, bằng may rủi, thì sử gia Nho giáo cũng cắt nghĩa bằng sức người, bằng nhân tài. “Có trời mà cũng có ta”, họ thường bảo như vậy.

Trong sách Nam sơn tùng thoại, thiên Nhậm sử, Nguyễn Đức Đạt nói về vai trò quyết định của người tài như sau: “Vua Thành Thang không được ông Sần Chi (Y Doãn) thì không nên nghiệp vương. Việt Tử (Câu Tiễn) không được ông Kế Nhiên (Phạm Lãi) thì không nên nghiệp bá”.

Nhân tài quan trọng như thế, nhưng kẻ sĩ ít ỏi và khó kiếm: “Trong khu vực ngàn dặm mới có một kẻ sĩ”. Nhiều, không nghĩa lý gì. “Vì vô dụng hơn nhiều”. Hoàng Yết, tướng nước Sở có 3.000 khách mà bị giặc giết, Điền Hoành (vua nước Tề) có 500 đồ đảng mà không giải được nguy. Vậy, số đông không quyết định, cái quyết định là người tài cao.

Tự Đức (năm thứ 30) có nói với quần thần rằng: “Nước Thục là một nước nhỏ ở một góc, có Võ hầu thì yên, không có Võ hầu thì nguy. Vậy thì an hay nguy không quan hệ ở nước lớn nhỏ mà chỉ do người thế nào đó thôi” (Đại Nam thực lục chính biên). Ở đây “người”, không phải là quần chúng nhân dân mà là vua quan, quan ở triều đình cũng như quan hàng ở tỉnh. Đạo đức càng tốt thì tác dụng càng tích cực. Vua Nguyễn hàng chục lần nói: muốn chuyển tai biến thành điểm lành, duy chỉ có biết chọn người, dùng người và biết cách an dân là việc cần kíp nhất. Quan kính trời, trung vua, thường thì ân huệ của triều đình thấm tới dân chúng, cảm hóa được trời đất, sinh khí hòa, mùa màng tốt, bá tính an cư lạc nghiệp. Chữ “tài” chủ yếu nghĩa là “có đức”. Các quan ở tỉnh huyện mà còn quan trọng như thế thì quan ở triều đình càng quan trọng hơn, có tác dụng quyết định đối với sự còn mất, hưng phế của một chế độ. Cho nên, theo phương châm “thượng hiền” có từ thời Khổng Tử, trách nhiệm của nhà vua là nuôi chọn và dùng nhân tài: “Đời há thiếu gì người tài, chỉ sợ chưa tìm thấy đó thôi. Trước kia, Bách Lý Hề nếu không gặp Công Tôn thì lẩn quẩn chăn trâu. Gia Cát Lượng nếu không vì Thủy Kính thì một đời ở chốn thảo lư” (Tự Đức năm thứ 12). Nước đã được Bách Lý Hề, Gia Cát Lượng thì nguy trở thành an. An nguy của một nước được định đoạt bởi nước ấy có hay không có nhân tài.

Cái sai của các vua Nguyễn và sử thần của họ không phải ở chỗ khẳng định vai trò vai trò quan trọng của nhân tài, mà ở chỗ khẳng định rằng việc có hay không có nhân tài là sự quyết định tồn vong, thịnh hay suy của một chế độ, một triều đại, không còn phải đi tìm sâu hơn nữa. Nếu khi nào nhân tài sẵn đó mà sự nghiệp không thành, nghĩa là nhân tài không quyết định nổi sự an nguy thành bại, vì như Gia Cát Võ hầu như tài cao mà không cử nổi vạc Hán như Hàn Tín, Tiêu Hà mấy trăm năm trước, thì khi ấy họ quay về với Trời, mệnh trời, đạo Trời và may rủi! Cái sai của vua tôi Tự Đức còn ở chỗ nghĩ rằng: “Đời há thiếu người tài, chỉ sợ chưa tìm thấy đó thôi”. Nào phải như vậy!. Đã biết thời thế tạo anh hùng nhưng không phải thời thế nào cũng tạo ra anh hùng: một chế độ hung tàn mấy khi mà sinh anh hùng quay ngược nổi bánh xe lịch sử, chỉ có phía đối lập với chế độ suy tàn đó, phía đang lên, mới dễ sinh ra anh hùng đẩy mạnh lịch sử tới trước. Nhiều thời thế yêu cầu cấp bách có anh hùng xuất chúng  mà anh hùng vẫn vắng mặt như sao buổi trưa.

Cương mục cho rằng chế độ nhà Trần sở dĩ tiêu vong là vì vua Trần, cụ thể là Trần Dụ Tông bất tài, bất đức, bất kính. Sách đó cắt nghĩa sự suy sụp đổ nát của nhà Trần bằng lời phê phán sau đây của Ngô Thì Sĩ mà sử thần nhà Nguyễn tán dương: “Tháng 8 đã là mùa không có sấm, thế mà ở đây tháng 9 hãy còn sét đánh và sét đánh có phải một chỗ đâu, thực là một sự lạ lắm. Trần Dụ Tông lên ngôi đến đây mới 16 năm đã có 6 lần nhật thực, 3 lần thủy tai, một số lần sâu cắn lúa, lại luôn năm mất mùa đói kém. Đến đây, từ mùa xuân đến mùa thu, nào núi lở, nào đất động, không tháng nào không tai biến. Ý chừng trời phạt tội đại ác, đại dâm, răm mầm biếng nhác chính sự. Thế mà cha con vua tôi vẫn cứ nhơn nhơn không hề lo âu. Kẻ trên thì không thật lòng xét mình, kẻ dưới không có mưu chước gì để cứu đời giúp nước, coi thường điềm Trời mà không biết sợ, khinh bỏ việc người mà không lo toan. Qua năm sau, Trần Minh Tông mất. Dụ Tông rông rở chơi bời, giặc cướp từng đàn nổi lên, xuôi nân vận hội không thịnh đạt nữa, rồi ngôi báu nhà Trần suýt mất về tay họ Dương. Đạo Trời có xa đâu”.

Vẫn còn nội dung phía dưới, bạn hãy ấn nút để xem tiếp nhé...