LỊCH SỬ NHO GIÁO VIỆT-NAM THẾ KỶ 19
9/17/2023 11:06:36 PM
anhnhat.nguyen1 ...

"Trước hơn sau, sau thua trước"

 

Chẳng những nhà Nho theo thuyết vận hội, tuần hoàn, không thấy sự phát triển, mà hơn nữa, họ cho rằng trong lịch sử loài người, trước hơn sau, sau thua trước. Nói trắng ra, dường như họ muốn xã hội phải quay ngược lại thì mới là tốt. Cứ theo lý luận chung của Nho giáo thì thời đại hoàng kim, cực thịnh là hai đời Đế, ba đời Vương. Các vua chúa mãi cho đến thế kỷ 19 rồi mà làm việc gì cũng đều cố gắng hết sức để được như Nghiêu, Thuấn!. “Khiêm tốn” hơn, Tự Đức muốn lấy Hán Văn Đế làm mẫu mực. Cái gốc lý luận của ý thức “quay đầu về xưa” ấy là tư tưởng tôn Chu, phục lễ của Khổng Tử. Từ đó mà nảy sinh nguyên lý “phép tiên vương” tức là làm theo những vua trước, tiên vương đó là hai đời Đế, ba đời Vương.

Lấy tiêu chuẩn gì để đánh giá sự hơn hay kém, tiến hay thoái trong lịch sử xã hội? Thuở xưa tuy cũng có người như Tư Mã Thiên chú ý ghi chép những công cụ và khí giới, biết rằng lúc này người ta dùng đồ sắt phổ biến, lúc kia người ta dùng đồ đồng phổ biến, biết rằng thời này thương mại thịnh đạt hơn thời kia, nhưng chưa ai biết gì về cơ sở kinh tế, cơ cấu xã hội, về sản xuất vật chất và giai cấp đấu tranh làm nền móng và động lực cho lịch sử. Người ta đánh giá sự tiến hóa của xã hội và con người chỉ theo tiêu chuẩn đạo lý mà thôi. Người ta thấy rằng nhân dân đời xưa phong tục tính tình thuần hậu hơn đời nay, người ta thấy rằng pháp luật đời nay, người ta nhận định rằng nhân tài đời xưa cao hơn và toàn diện hơn nhân tài đời nay.

Trong sách Tứ thư trích giảng, phần nói về Đại học, Nguyễn Văn Siêu cho rằng: “Sau đời Tam đại là đời Xuân Thu – Chiến Quốc cho tới Tần, Hán Đường, hết thảy chỉ so tính công lợi, giả thác nhân nghĩa, những cái hỏng là cố nhiên, đến cả những cái được cũng chưa có gì đáng bắt chước. Lý do là vì giáo lý “minh minh đức, tân tân dân, chi ư chí thiện”, danh thì giống nhau mà thực thì xa nhau lắm”.

Về việc nhà Hán sai quan họ Giả (Giả Mang Kiên) qua thú nước ta, Tự Đức bảo: “Ta thấy rõ triều Hán có nhiều nhân tài, đời sau nhân thể so sánh kịp” (Cương mục). Tự Đức than rằng: “Đời sau người toàn tài có ít” (năm thứ 16), “Người nay sao kịp người xưa” (năm thứ 18). Các vua Nguyễn mỗi khi kiểm điểm, phê phán các quan lại của mình thì đều bảo họ phải noi theo gương của Lỗ Trọng Khanh, Trịnh Tự Quân v.v… của Trung Quốc cổ đại. Chẳng những người mình đời nay kém người Trung Quốc xưa, mà người mình đời nay cũng kém người mình đời xưa nữa. Trong một bài dụ gửi Văn Thân Nghệ Tĩnh nhằm bắt bẻ chủ trương kháng chiến của họ, Tự Đức nhận định rằng ngày nay kháng chiến không thể thành công vì ngày nay không còn đức thánh Tản Viên, mà Trần Hưng Đạo cũng đã chết!. Triều đình nhận thấy rằng: người đời xưa dùng dân nào để đánh bại quân Nguyên? - Cũng là dân Bắc hà đấy thôi, nhưng xưa tốt hay xấu, xưa hơn nay kém, cho nên xưa đánh được giặc Nguyên mà nay không đánh được quân Pháp. Đọc suốt Cương mục chỉ thấy có một lần Quốc sử quán nhận định nay hơn xưa, xưa thua nay, ấy là khi họ so sánh triều Nguyễn với các triều đại trước và khẳng định rằng triều Nguyễn thì “từ Lạc Hùng trở lại không lúc nào bằng”!.

Vẫn còn nội dung phía dưới, bạn hãy ấn nút để xem tiếp nhé...