BÀN VỀ CHỦ THUYẾT PHÁT TRIỂN CỦA PHAN BỘI CHÂU
8/19/2023 8:19:50 PM
anhnhat.nguyen1 ...

Trong phạm vi lý thuyết, ta có rất nhiều vấn đề cần bàn bạc. Chủ thuyết phát triển tuy chưa hình thành một khuynh hướng lý luận (dù có người đã bàn bạc đến), song mặc nhiên người ta phải quan tâm. Xã hội tưởng như đứng yên một chỗ, song thực tế thì nó đang biến chuyển. Các lý thuyết cắt nghĩa ở sự biến chuyển ấy, hình dung ra các bước đi hiện tại và tương lai, tất nhiên là có nằm trong chủ thuyết phát triển.

Ở Việt Nam, quan niệm về chủ thuyết phát triển có lẽ chưa từng được đặt ra một cách nghiêm túc. Có hai mặt của một vấn đề. Trước nhất là phải thấy rằng chúng ta từ lâu, không thiên về văn minh vật chất, mặc dầu cuộc sống vật chất luôi luôn đeo đuổi chúng ta. Ta có sự tìm tòi, sự đúc kết kinh nghiệm để làm cho cuộc sống được cải thiện hơn lên, được tuần tự nhi tiến. Do đó mà những sáng kiến, những cải tiến hàng ngày trong cuộc sống - rất phong phú và cũng có ý nghĩa to lớn - đều không được quan tâm đúng mức. Chúng ta luôn luôn giữ gìn cứ để cho cuộc sống cứ tiến dần dần. Thuyết tiệm tiến là một lý thuyết ăn sâu vào tâm lý dân tộc.

Mặt khác, cũng do cái học kinh viện mà ta chịu ảnh hưởng của Hán học. Các nhà thức giả bên Trung Quốc cũng như bên ta luôn luôn có đầu óc phục cổ. Những gì của người xưa đã nghĩ, đã làm, đều đã tuyệt vời, không thể thay đổi, thậm chí không thể chỉ trích được. Mà cái cổ đây phải là những thứ cổ sơ, chứ những thời đại cận cổ hay trung cổ thì đã kém lắm rồi, không thể làm gương mẫu được. Nho sinh Việt Nam trước đây viết một bài bình luận về văn hay về sử, nếu nhắc đến các thời đại trước, đã có sẵn một câu dặn dò, bày vẽ:

                                                                  Thuấn Nghiêu tam đại thì khen

                                                                 Hán Đường trở xuống thì lèn cho đau

Các vị danh nhân thời cổ ấy, đã bày vẽ cho con người (thời ấy và các đời sau) những điều phải tu dưỡng, phải suy nghĩ..., tóm lại là về đạo sống giữa xã hội Cổ Sơ. Mà những lời dạy dỗ về cái đạo ấy thì quả là đúng đắn, thiết thực, có thể ứng dụng với đời sống hàng ngày (phần hình nhi hạ) và có thể vươn lên ở tầm triết lý xã hội (phần hình nhi thượng), ở những hoàn cảnh nhất định của đời sống xã hội, đời sống tâm linh, thì quả thực cái đạo ấy rất là khả thủ. Làm theo được cái đạo như thế, con người mới cảm thấy mình được viên mãn, được tiếp cận sự thực đẹp đẽ và gương mẫu. Do đó, mà ta chỉ cần làm thế nào cho đúng với đạo, để cái đạo được sáng tỏ, chứ không phải nghĩ cách gì làm khác với cái đạo nữa: La Sơn phu tử Nguyễn Thiếp ở nước ta, đã nói một câu chắc nịch: “Chỉ lo cái đạo không hành, chứ không lo cái đạo không sáng”. Đã như vậy, thì làm sao có thể nói được vấn đề phát triển.

Do vậy mà người Việt Nam từ lâu không dám có sáng tạo. Chúng ta chỉ biết phục cổ, chấp hành cái chân lý được xem là ngàn đời sáng suốt. Ta mơ hồ với cái văn minh vật chất, người dân bình thường thì mơ hồ với cái mới lạ, người cầm quyền, người chỉ đạo tư tưởng thì cho đó là những thứ tà thuyết vu dân. Cái nhìn chung là hướng về bên trong, chỉ biết núi sông của ta là đẹp, lịch sử ta là anh hùng, truyền thống của ta là văn hiến. Bên cạnh ta có một nước rộng lớn, có nền văn hóa phong phú, sâu sắc, nhưng lại luôn luôn tìm cách đồng hóa ta, nên điều quan trọng là ta phải tìm cách đối phó với họ. về mặt chính trị, quân sự, ta đã có thể đối đầu với họ, nhiều lần thắng lợi, khiến cho cái mộng xâm lăng của họ bị dẹp đi. Bị dẹp đi, nhưng cái mưu kia thi không bao giờ chấm dứt được, nên cái cần của chúng ta là phải luôn luôn nghĩ đến sự đối đầu Nam - Bắc. Ta phải chịu là An Nam, nhưng phải khẳng định là Nam Việt hay Việt Nam - không phải im đi (An) mà phải vươn lên (Việt). Vì thế mà ta chỉ biết có cái văn hóa Hán Việt (nghĩa là văn hóa Việt Nam và văn hóa Trung Quốc). Một số nước nhỏ ở kề ta thì không có bản lĩnh, và ta cũng theo cái gương người Hán mà xem đó là những nước thuộc loại di địch. Xa hơn nữa, ta không làm quen, thậm chí là không hề hiểu biết. Biển rộng mông mênh, ta chỉ thấy đó là dặm khơi mù mịt, chứ không rõ là thế nào. Ta chỉ có biết có ta và có nước to lớn kia ở phương Bắc mà thôi. Cả cái không gian rộng lớn, phía Đông, phía Nam ta đều không biết tới. Văn hóa khu vực đối với chúng ta, từ ngày ta chưa được tiếp cận với phương Tây, là rất mơ hồ, thậm chí bị xem như là không có. Như thế thì làm sao ta có thể nghĩ đến vấn đề phát triển được? Cả ở bên Trung Quốc nữa. Phải đến đời nhà Thanh, họ mới hướng được cái nhìn ra ngoài. Nhìn ra, nhưng vẫn cứ loay hoay và dẫm chân tại chỗ.

Vẫn còn nội dung phía dưới, bạn hãy ấn nút để xem tiếp nhé...